Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Phường Đông Lĩnh  - TP.Thanh Hóa

Tình trạng chung về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam

Đăng lúc: 10:36:34 23/04/2024 (GMT+7)
100%

        Trong đời sống xã hội hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm đóng một vai trò hết sức quan trọng. Đảm bảo an toàn thực phẩm hiện nay là việc làm cấp bách để nâng cao sức khỏe người dân, tăng cường nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và mở rộng quan hệ quốc tế. 

        Trong bài viết này, sẽ đề cập đến tình trạng chung về an toàn thực phẩm tại Việt Nam hiện nay và người tiêu dùng nên làm gì để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

An toàn vệ sinh thực phẩm là gì?

        An toàn vệ sinh thực phẩm là việc xử lý, chế biến, bảo quản và lưu trữ thực phẩm bằng những phương pháp phòng ngừa, phòng chống bệnh tật nhằm đảm bảo thực phẩm không gây hại cho sức khỏe và tính mạng con người. Những thực phẩm hợp vệ sinh cần được kiểm nghiệm và trải qua quá trình công bố sản phẩm nghiêm ngặt, có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Tình hình chung về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam

        Mỗi năm Việt Nam có chừng 250 – 500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000 – 10.000 nạn nhân và 100 – 200 ca tử vong. Nhà nước phải chi trên 3 tỷ đồng cho việc điều trị, xét nghiệm và điều tra tìm nguyên nhân trong đó:

  • 29% số vụ do thực phẩm nhiễm vi sinh vật;
  • 8,3% do hóa chất;
  • 29% do thực phẩm chứa chất độc tự nhiên;
  • 33% số vụ không xác định được nguyên nhân.

        Ngoài những số liệu thống kê trên thì một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để như: 

  • Việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất trở nên phổ biến, tràn lan, không đúng  liều lượng và danh mục cho phép.
  • Các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn như thịt quay, giò chả, ô mai gây mất an toàn thực phẩm và chưa được cấp giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Nhiều loại thịt bán trên thị trường không qua kiểm duyệt thú y.
  • Tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý.
  • Nhãn hàng và quảng cáo không đúng sự thật vẫn xảy ra.

Người tiêu dùng nên làm gì để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

        Để bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình và xã hội  thì người tiêu dùng có thể vận dụng một số nguyên tắc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm như: 

  • Thường xuyên tìm hiểu những kiến thức và kỹ thuật chọn các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng, giá cả phải chăng, bảo đảm vệ sinh an toàn.
  • Chọn các loại rau quả tươi, thịt, cá tươi, trứng tươi, ngũ cốc không bị mốc, chú ý thời hạn sử dụng khi mua các thực phẩm chế biến sẵn hoặc đóng hộp. 
  • Sử dụng nước sạch, an toàn để chế biến thức ăn, đồ uống và rửa dụng cụ. 
  • Các đồ dùng để nấu nướng và ăn uống phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, không dùng khăn ẩm mốc để lau khô chén đũa. 
  • Nấu chín kỹ thực phẩm thịt, cá dễ bị ô nhiễm bởi vi sinh vật gây bệnh và ăn ngay sau khi nấu. Thức ăn nấu chín để quá 4 giờ và nhất là để cách đêm nhất thiết phải đun nấu chín lại. 
  • Không để lẫn lộn thực phẩm chín với thực phẩm sống khi bảo quản. Không dùng thớt cho thịt chín chung với thịt sống. 
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân người nấu ăn thông qua việc rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch khi bắt tay vào chế biến thức ăn. Cắt ngắn móng tay, không dùng tay để bốc và chia thức ăn. 
  • Không tham gia chế biến thực phẩm hoặc phục vụ ăn uống khi đang bị đau bụng, tiêu chảy, sốt, nôn ói, nhiễm trùng ngoài da hoặc các bệnh lây truyền khác.
  • Giữ gìn vệ sinh thật tốt nơi ăn uống và chế biến thực phẩm như phải cách xa khu chăn nuôi gia súc, nhà vệ sinh, bãi rác thải, cống rãnh ô nhiễm. Nơi ăn phải sạch sẽ thoáng mát, có bàn ăn cao tránh bụi bẩn, thức ăn sẵn phải có lồng bàn che đậy phòng ruồi nhặng và phải có đủ nước sạch, có vòi nước, rửa tay trước khi ăn.

        Bên cạnh những nguyên tắc trên, để đảm bảo các nguồn thực phẩm an toàn thì người dân nên chú ý đến các tiêu chuẩn chất lượng như nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, điều kiện sản xuất. Vì một Việt Nam khỏe mạnh chúng ta hãy chung tay “tẩy chay” các loại thực phẩm kém chất lượng, lựa chọn các thực phẩm tại các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, thực phẩm đã được kiểm định. 

        Hy vọng qua bài viết trên, người tiêu dùng đã nắm được tình hình và những cách thức để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho mình và những người xung quanh.

Công khai kết quả giải quyết TTHC

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289